Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung

http://maybathanh.vn

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung

 “Ba Thành” là bí danh của ba tôi trong thời kỳ ông hoạt động tình báo với danh nghĩa người sáng lập Nhà may Thời Đại. Sau ngày đất nước thống nhất, thương hiệu nhà may Thời Đại Sài Gòn xưa - Ba Thành đã được ông xây dựng và phát triển, trở thành cái tên quen thuộc với người dân Hà Nội. Là một người con trong nhà được tiếp nhận nghề may từ ông, với tôi, thương hiệu “Ba Thành” không chỉ là “bí danh” mà còn là “bí truyền”. Đó là những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung với Thương Gia...

 
Theo doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung, Nhà may Thời Đại – tiền thân của thương hiệu Ba Thành do bố ông là nhà tình báo Nguyễn Ngọc Thành thành lập năm 1965. Mặc dù nhà may được lập ra để che mắt cho hoạt động tình báo, ông Nguyễn Ngọc Thành đã không ngừng nghiên cứu và tìm kiếm những nét đẹp trong phong cách ăn mặc của người phương Tây hòa quyện với sự thâm trầm, sâu sắc của phương Đông, đặc biệt là nét đẹp từ tà áo dài của Việt Nam.
 
TÔI ĐƯỢC THỪA HƯỞNG TỪ BỐ RẤT NHIỀU
Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình ra đời của Nhà may Ba Thành và người cha đặc biệt của mình?
 
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung: Bố tôi là một tình báo viên với bí danh Ba Thành, có nhiệm vụ vào nằm vùng tại Nhà may Thời Đại nổi tiếng đất Sài Thành - nơi có nhiều tướng tá quân đội, quan chức của chính quyền tới may đồ Âu phục. Với nghề may đã được truyền từ gia đình trước đó, cộng thêm Cục Tình báo cho học nghề nâng cao, bố tôi đã trở thành thợ may nổi tiếng của Nhà may Thời Đại. Từ vỏ bọc là một thợ may tay nghề cao, bố tôi đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc kháng chiến và giành chiến thắng của toàn dân tộc.
 
Hoàn thành nhiệm vụ, đất nước thống nhất, bố tôi trở về Hà Nội tiếp tục công tác với quân hàm Đại tá tại Bộ Tư lệnh Đặc công. Ông kiếm sống thêm bằng công việc may âu phục, áo dài tại phố cổ Hà Nội và dạy nghề cho các thanh niên chưa có việc làm với tên tiệm: Nhà may Thời Đại Sài Gòn xưa - Ba Thành.
 
Sau khi ông mất, thương hiệu nhà may Ba Thành được mấy anh em chúng tôi tiếp tục chung tay gìn giữ và tôi được chọn là người đứng ra chịu trách nhiệm chính.
 
Hiểu thấu điều đó, hai vợ chồng chúng tôi, sau khi đã trải nghiệm đủ các ngành nghề khác từ thời trẻ, đã quyết định tiếp nối nghề của cha tôi, gắn bó và cố gắng lan tỏa thương hiệu Ba Thành – thương hiệu và cũng là bí danh trong nghề hoạt động tình báo của ông.
 
Quyết định này chắc chắn được cả nhà ủng hộ vì có người đứng ra giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, thưa ông?
 
Thực ra mẹ vẫn muốn tôi “chân trong chân ngoài”, vừa làm trong Nhà nước vừa theo nghề bởi từ đời ông đến thời bố tôi đều vậy. Bố tôi là một đại tá quân đội nên khi nghỉ hưu vẫn nhận lương của một đại tá. Do đó mẹ muốn tôi đi theo con đường của bố cho đỡ bấp bênh, sau này già cả còn có lương hưu.
 
Tuy nhiên chúng tôi vẫn giữ lập trường của mình để toàn tâm toàn trí, toàn lực với nghề sau khi nhận ra giá trị của ông và bố tôi để lại. Người ta thường có câu: “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, bố tôi đã làm được điều đó và tôi đã thừa hưởng được từ bố rất nhiều. Do đó có bao nhiêu năng lực là tôi dồn hết vào nhà may, hay nói cách khác là “đánh cược với số phận”, thành công thì không hổ danh thương hiệu mà thất bại thì cũng chẳng còn gì để… ngày hôm nay ngồi đây chia sẻ cùng chị.
 
Chúng tôi muốn tập trung vào chuyên môn và chất lượng chứ không muốn mở tràn lan. Khi mọi người đã biết đến Nhà may Ba Thành, họ có thể gọi điện và chúng tôi sẽ đến tận nơi phục vụ chứ không nhất thiết mở thêm địa điểm nữa.
 
KHÔNG CHẤP NHẬN SẢN PHẨM LÀM RA CHỈ ĐẸP TƯƠNG ĐỐI
Hiện nay, trên thị trường có một số ứng dụng công nghệ có thể hỗ trợ tốt trong việc lấy số đo online của khách hàng, Ông có thể chia sẻ vì sao Nhà may Ba Thành chưa sử dụng công cụ hỗ trợ đó nhằm giảm thời gian cũng như chi phí di chuyển so với khi trực tiếp đi lấy số đo của khách hàng, thưa ông?
 
Chúng tôi cũng đã nghiên cứu về các công nghệ hỗ trợ đó. Tuy nhiên, có một thực tế là đối với sản phẩm thủ công, khách hàng muốn được phục vụ trực tiếp từ khâu đầu tiên là lấy số đo chứ không muốn nhờ qua công nghệ.
 
Tôi cũng đồng quan điểm với khách hàng trong việc này. Bởi khi đo trực tiếp như thế tôi mới thấy tận mắt được điểm mạnh, điểm khuyết trên cơ thể của khách hàng. Điều đó sẽ giúp chúng tôi tôn đúng điểm mạnh của khách và che đi những điểm còn chưa hoàn hảo trên cơ thể của họ.
 
Còn với việc lấy số đo qua online, tôi cho rằng khi sử dụng ứng dụng hỗ trợ sẽ không thể quan sát từng chi tiết nhỏ được. Do đó, sản phẩm làm ra sẽ chỉ có thể đạt ở mức đẹp chứ không thể gọi là hoàn hảo.
Có nghĩa với quan điểm của ông, ứng dụng công nghệ 4.0 vào may mặc là không khả thi?
 
Không những khả thi mà còn rất tốt là đằng khác. Với việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào may đo sẽ giúp nhà may có thêm một tệp khách hàng không yêu cầu quá cao về sản phẩm. Tuy nhiên, với Nhà may Ba Thành, chúng tôi không muốn những sản phẩm mình làm ra chỉ mang tính chất tương đối. Chúng tôi cần sản phẩm may xong phải thực sự đẹp, thật sự chỉn chu, giúp khách hàng cảm thấy thanh thoát và sang trọng khi mặc chúng.
 
Trong khi đó, riêng về dòng veston thì việc ứng dụng công nghệ vào may đo cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. May đúng chiều dài tay rất dễ, đúng chiều dài quần không hề khó tí nào. Nhưng với phom dáng, cơ thể người mặc lại khác. Phải khảo sát bằng thước cũng như khả năng hình dung về không gian cơ thể khách hàng.
 
Tôi lấy ví dụ nhé, nếu cơ thể khách hàng không béo không gầy, mặc veston chắc chắn sẽ đẹp. Cũng với khách hàng đó, nhưng họ lại có thói quen lúc đứng hơi nghiêng người thì tôi lại cần một áo vest phục vụ cho đúng dáng đứng của họ. Còn nếu khách hàng hơi gù, thì phải làm ra một cái áo mà khi người ta mặc vào trông vẫn rất lịch lãm.
 
Nói tóm lại, lấy kích thước thì rất dễ nhưng nhìn được phom dáng của khách hàng lại là câu chuyện khác hoàn toàn. Nó yêu cầu rất nhiều kỹ năng, kiến thức của người thợ nhiều năm kinh nghiệm, có nhiều kiến thức chuyên môn trong nghề.
 
MỖI KHÁCH HÀNG LÀ MỘT ĐẠI SỨ THƯƠNG HIỆU
Được biết Nhà may Ba Thành bảo hành sản phẩm từ 3 đến 5 năm. Liệu thời gian bảo hành như vậy có quá dài không, thưa ông?
 
Tại Nhà may Ba Thành, ngoài tay nghề thì điều chúng tôi luôn đề cao đó là tinh thần phục vụ. Và tinh thần ấy được kế thừa từ bao đời nay. Đấy là giá trị mà chúng tôi phải giữ gìn cho bằng được. Chúng tôi cho rằng đó là điểm mà khách hàng sẽ nhớ đến Ba Thành.
 
Chúng tôi luôn tâm niệm, mỗi một khách hàng là một đại sứ thương hiệu của Ba Thành, cho dù người đấy là ai, làm nghề gì. Thế nên chúng tôi không bao giờ từ chối những yêu cầu của khách hàng liên quan đến sản phẩm của mình. Do vậy, thời gian bảo hành sản phẩm lên đến 5 năm theo tôi là không dài.
 
Trong trường hợp người mặc không làm quần áo rách, hỏng thì 5 năm sau nó vẫn đẹp. Lúc đấy khách hàng muốn may lại cái cúc bị xổ chỉ, hay cơ thể có mập hơn, muốn nới rộng ra hoặc nếu gầy đi lại muốn may vào, rồi muốn xả dài gấu quần xuống theo một phong cách khác… nhà may vẫn phục vụ một cách miễn phí, tận tình, chu đáo, sẵn sàng hỗ trợ đến cùng.
 
Với cách làm như vậy nên Ba Thành vẫn hoạt động thường xuyên, không bị gián đoạn ngày nào, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra vừa qua.
Không phải là khen chồng nhưng từ khi về làm dâu, ba chồng hay nói với tôi rằng chồng tôi là đứa con có tâm. Ông rất tin tưởng vào chồng tôi. Với sự tin tưởng đó nên trước khi ba mất, ba dặn dò vợ chồng chúng tôi phải cố gắng giữ lấy nghề. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp (tôi là giáo viên dạy Ngữ văn THPT), tôi luôn đồng hành cùng chồng mình trong việc gìn giữ và lan toả hơn nữa thương hiệu Nhà may Ba Thành.
 
Chồng tôi rất trọng chữ tín. Nếu sản phẩm làm ra gặp một vài lỗi nhỏ, anh ấy sẵn sàng bỏ đi và nhập lô vải mới về làm lại cho khách. Nhiều lúc sản phẩm làm ra bị lỗi rồi huỷ, rồi nhập vải mới và may lại cho khách khiến chúng tôi đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, tôi đã đôi lần đề xuất với chồng nên tặc lưỡi mà giao hàng cho khách để thu tiền về. Vì thực tế, sản phẩm nhìn bằng cảm quan thấy sẽ rất đẹp, chỉ người làm nghề mới nhận ra một vài lỗi nhỏ ấy thôi. Tuy nhiên anh xã một mặt động viên tôi, mặt khác vẫn giữ vững lập trường của mình nên tôi không thể lay chuyển được. Với anh ấy, dù có phải đi vay mượn thì cũng kiên quyết phải may lại cho khách đến khi đẹp thì thôi.
 
Điều đáng quý là anh xã rất khắt khe, kỹ tính với thợ thuyền trong mọi công việc. Nhưng khi sản phẩm họ làm ra bị lỗi thì anh ấy kiên nhẫn yêu cầu họ làm lại mà không bao giờ trách cứ họ, các khoản lương thưởng vẫn được giữ nguyên.